DANH MỤC CHÍNH
HOẠT ĐỘNG QUA ẢNH
FES08_20240 FES08_20241 FES08_20242 FES08_20243 FES08_20244 FES08_20245 FES08_20246 FES08_20247 FES08_20248 FES08_20249
Nghiên cứu khoa học
Thứ hai, 14/03/2016 - 11:32

Tóm tắt đề tài NCKH cấp Học viện 2014: Sử dụng công cụ tỷ giá hối đoái trong điều kiện kinh tế vĩ mô tại Việt Nam

TÓM TẮT ĐỀ TÀI NCKH CẤP HỌC VIỆN NĂM 2014

 

Tên đề tài:                     Sử dụng công cụ tỷ giá hối đoái trong điều kiện

kinh tế vĩ mô tại Việt Nam

Thành viên NC: 

          Ths. Lê Thanh Hà – Chủ nhiệm

          Ths. Phan Tiến Nam – Đồng chủ nhiệm

          Ths. Dương Đức Thắng – Thư ký

          Ths. Cao Phương Thảo – Thành viên

  1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu

Tỷ giá hối đoái là một công cụ của chính sách tiền tệ quốc gia, được NHTW các nước sử dụng trong điều kiện kinh tế vĩ mô, phù hợp với tình hình cụ thể của mỗi quốc gia trong từng thời kỳ.

Nền kinh tế nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới, thị trường ngoại hối cũng đang có những bước chuyển mình trong bối cảnh hợp tác tiền tệ quốc tế. Thị trường ngoại hối tại Việt Nam cũng như các quốc gia ngày càng chứa đựng nhiều nội dung và tính chất của thị trường hối đoái quốc tế, vì một biến động nhỏ của tỷ giá trên thị trường quốc tế cũng đều ảnh hưởng đến tỷ giá trong nước. Chúng ta đã từng chứng kiến những bài học lớn về khủng hoảng tài chính – tiền tệ mà bắt nguồn từ tỷ giá biến động, đó là khủng hoảng tại Mexico 1994, khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á 1997 và khủng hoảng Argentina 2001; đặc biệt khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á 1997 đã gây ra tác động lớn tới các nước trong khu vực và trên thế giới, việc xử lý đôi lúc vượt quá khả năng của mỗi quốc gia.

Việt Nam đang trong bối cảnh đứng trước yêu cầu mở cửa thị trường, yêu cầu tự do hoá tài chính ngày càng lớn, chính vì vậy tỷ giá hối đoái cũng là một vấn đề được nhiều người quan tâm. Hơn bao giờ hết, việc nghiên cứu tỷ giá hối đoái và sử dụng công cụ tỷ giá hối đoái càng trở nên cấp thiết. Trước yêu cầu của cả lý luận và thực tiẽn, chúng tôi quyết định lựa chọn đề tài “Sử dụng công cụ tỷ giá hối đoái trong điều kiện kinh tế vĩ mô ở Việt Nam” làm đề tài nghiên cứu khoa học cấp Học viện năm 2014.

  1. Mục đích nghiên cứu của đề tài

Khái quát lại về mặt lý luận cũng như thực tiễn việc sử dụng công cụ tỷ giá hối đoái trong điều kiện kinh tế vĩ mô ở nước ta; đề xuất một số giải pháp dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm nâng cao vai trò, tính hiệu quả của công cụ tỷ giá trong điều tiết nền kinh tế, góp phần vào quá trình tự do hoá tài chính của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay

  1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Chúng tôi nghiên cứu việc sử dụng công cụ tỷ giá hối đoái ở Việt Nam, làm rõ những nguyên nhân cho việc tồn tài trong sử dụng công cụ này, từ đó làm cơ sở đề xuất các giải pháp trong thời gian tới.

Đề tài tập trung nghiên cứu tác động của tỷ giá tới những biến số vĩ mô có liên quan chặt chẽ như lạm phát, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thương mại quốc tế. Thời gian nghiên cứu được thực hiện trải qua gần như xuyên suốt các giai đoạn, trong đó tập trung vào giai đoạn từ 1989 đến 2013.

  1. Tính mới của đề tài

Đề tài có những điểm mới sau đây:

  • Tổng hợp các vấn đề lý luận về tỷ giá, việc sử dụng công cụ tỷ giá, các bài học kinh nghiệm trong điều hành tỷ giá ở một số quốc gia
  • Làm nổi bật vai trò của công cụ tỷ giá hối đoái trong điều kiện kinh tế vĩ mô ở nước ta.
  • Mô hình hoá, lượng hoá tác động của tỷ giá hối đoái tới các nhân tố vĩ mô trong nền kinh tế thông qua mô hình kinh tế.
  • Đề xuất các giải pháp xuất phát từ nghiên cứu, đánh giá từ mô hình.
  1. Nội dung chính của đề tài.

Chương 1: LÝ LUẬN CHUNG VỀ TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI VÀ VAI TRÒ CỦA CÔNG CỤ TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI TRONG ĐIỀU KIỆN KINH TẾ VĨ MÔ

Trong chương 1, công trình nghiên cứu đã hệ thống hóa những lý luận cơ bản về tỷ giá và vai trò của công cụ tỷ giá:

          Thứ nhất, đưa ra các quan điểm về tỷ giá hối đoái, từ đó chỉ ra quan điểm chung nhất, tổng quan nhất về tỷ giá hối đoái. Đồng thời trình bày các loại tỷ giá hối đoái; các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái.

          Thứ hai, trình bày về công cụ tỷ giá hối đoái thông qua chính sách tỷ giá hối đoái cũng như việc lựa chọn chế độ tỷ giá cũng như cách thức sử dụng công cụ tỷ giá. Từ đó, nhóm tác giả chỉ ra vai trò và tác động của công cụ tỷ giá hối đoái trong điều kiện kinh tế vĩ mô

          Thứ ba, nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc sử dụng công cụ tỷ giá. Đặc biệt, nhóm tác giả đi sâu nghiên cứu cách thức mà một số quốc gia áp dụng khi xảy ra các cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ sự biến động của tỷ giá hối đoái, qua đó rút ra bài học cho Việt Nam.

Đây là những nội dung có ý nghĩa lý luận làm cơ sở để xem xét, đánh giá tác động của công cụ tỷ giá hối đoái trong điều kiện kinh tế vĩ mô tại Việt Nam ở chương 2.

Chương 2: Tác động của công cụ tỷ giá hối đoái đến kinh tế vĩ mô ở Việt Nam

Các kết quả chính của chương 2 là:

  • Một là, định lượng tác động của tỷ giá hối đoái tới một số biến số vĩ mô trong nền kinh tế như: tỷ lệ lạm phát; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; tới kim ngạch xuất nhập khẩu thông qua mô hình kinh tế lượng.
  • Hai là, trình bày việc sử dụng công cụ tỷ giá hối đoái trong điều kiện kinh tế vĩ mô tại Việt Nam qua việc thực hiện chính sách tỷ giá qua các thời kỳ
  • Ba là, đánh giá việc sử dụng công cụ tỷ giá hối đoái, chỉ ra những thành tựu, hạn chế cũng như những nguyên nhân dẫn tới những thành tựu và những mặt còn hạn chế đó

Đây là cơ sở thực tiễn để nhóm tác giả xây dựng và đề xuất các giải pháp ở chương

Chương 3: GIẢI PHÁP NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA CÔNG CỤ TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI TRONG ĐIỀU KIỆN KINH TẾ VĨ MÔ TẠI VIỆT NAM THỜI GIAN TỚI

Kết quả nghiên cứu ở chương 3 gồm các nội dung chính sau:

  • Một là, trình bày điều kiện vĩ mô trong và ngoài nước. Đây là những yếu tố giúp định hướng sử dụng công cụ tỷ giá tại Việt Nam thời gian tới.
  • Hai là, trình bày những mục tiêu của chính sách sử dụng công cụ tỷ giá làm cơ sở đề xuất các giải pháp.
  • Ba là, đưa ra hệ thống các giải pháp nhằm nâng cao vai trò của công cụ tỷ giá hối đoái trong điều kiện kinh tế vĩ mô tại Việt Nam thời gian tới. Đồng thời chỉ rõ các điều kiện để đưa các giải pháp vào thực tiễn đạt hiệu quả cao nhất.

Đề tài “Sử dụng công cụ tỷ giá hối đoái trong điều kiện kinh tế vĩ mô tại Việt Nam” là một đề tài rộng trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Vì vậy mặc dù đã có cố gắng trong nghiên cứu, tuy nhiên chắc chắn công trình khó tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Nhóm tác giả rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các cơ quan chức năng, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện để giúp công trình ngày càng hoàn thiện hơn.        

Số lần đọc: 5513